Hủ tiếu Nam Vang là món ăn quen thuộc với hầu hết các tỉnh miền Nam Việt Nam. Món ăn là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu như hủ tiếu, thịt băm, trứng cút, tôm… Sự kết hợp này, giúp hủ tiếu Nam Vang tạo được hương vị đặc trưng, khó nhầm lẫn. Bài viết sau đây Mắm Việt sẽ chia sẻ với bạn công thức nấu hủ tiếu Nam Vang cực ngon như ngoài tiệm. Cùng theo dõi bài viết để biết cách chế biến món ăn này bạn nhé!
Giới thiệu về món hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang là món ăn sáng đặc trưng của người Hoa tại Sài Gòn. Món ăn được người Hoa du nhập từ Campuchia và biến tấu theo phong cách của người Việt. Ngày nay, hủ tiếu Nam Vang ngày càng phổ biến và trở thành món ăn ưa thích của nhiều người. Món hủ tiếu này nổi tiếng với hương vị ngọt thanh, khó cưỡng rất thích hợp cho bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ. Món ăn không chỉ ngon miệng mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất bổ ích cho cơ thể. Trung bình mỗi tô hủ tiếu Nam Vang sẽ nạp vào cơ thể từ 300 đến 500 calo.
Các nguyên liệu nấu món hủ tiếu Nam Vang
- 800 gr giò heo
- 200 gr thịt nạc dăm
- 300 gr tôm
- 15 quả trứng cút
- 3 nhánh hành lá
- 2 củ hành tím
- 1 kg hủ tiếu sợi dai
- 1.5 muỗng canh dầu ăn
- Rau ăn kèm: 1 ít giá hẹ, xà lách, húng lủi
- Gia vị thông dụng: 1 ít đường, muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu
Lưu ý: Với các nguyên liệu trên bạn sẽ được thành phẩm cho khoảng 3 người ăn.
Cách nấu hủ tiếu Nam Vang
Sơ chế giò heo, thịt nạc dăm và tôm
Đối với giò heo, bạn rửa sạch. Sau đó cho vào nồi, thêm vào 1 lít nước, 1/2 muỗng cà phê muối đun sôi tầm 2 – 3 phút thì tắt bếp. Kế tiếp, vớt giò heo ra rửa sạch lại với nước lạnh rồi vớt ra để ráo. Việc làm trên sẽ giúp bạn khử tốt được mùi hôi của giò heo. Đối với thịt nạc dăm thì bạn rửa sạch nhiều lần với muối. Sau đó băm nhuyễn rồi cho vào tô. Tôm bạn cần rửa sạch, cắt bỏ bớt râu và lấy chỉ tôm. Lấy một phần tôm khoảng 2 con, lột vỏ và băm nhuyễn để làm sốt thịt. Phần tôm còn lại cất riêng để cho vào nước dùng.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Đối với trứng cút, bạn cần rửa sạch và đem luộc chín. Trứng cút đã chín thì vớt ra thau nước lạnh và tiến hành lột sạch vỏ. Hành tím lột vỏ, rửa sạch và băm nhuyễn. Tương tự với hành lá, bạn cũng cần lột sạch lá úa vàng và gốc rễ. Sau đó rửa sạch, cắt khúc đầu hành và cắt nhỏ phần còn lại. Kế tiếp, cho đầu hành vào cối, thêm 1 muỗng cà phê tiêu vào và giã dập đầu hành. Đối với các loại rau ăn kèm thì bạn lặt bỏ lá héo, úa, ngâm với nước muối pha loãng. Sau đó rửa sạch lại với nước lạnh và vớt rau ra rổ để ráo.
Làm sốt thịt
Chuẩn bị một cái thau, cho tôm băm nhuyễn và thịt nạc băm nhuyễn vào thau. Sau đó, nêm vào 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng bột ngọt, 1/2 phần hành tím đã băm và 1/2 muỗng canh dầu ăn. Trộn đều để hỗn hợp thấm gia vị. Tiếp đến, bạn cần bắc nồi lên bếp cho vào khoảng 1 muỗng canh dầu ăn. Đợi dầu nóng thì cho phần hành tím băm còn lại vào phi thơm. Sau đó cho hỗn hợp tôm thịt vào xào. Bạn sẽ xào hỗn hợp với lửa nhỏ trong vòng 10 phút thì tắt bếp. Trong quá trình xào, bạn có thể thêm vào hỗn hợp 1 ít nước để tránh tôm thịt bị vón cục.
Nấu nước dùng
Cho 2 lít nước, toàn bộ phần chân giò và 1/2 muỗng cà phê muối vào nồi hầm trong 2 tiếng. Lúc đầu nấu với lửa lớn, khi nước sôi thì vặn lửa vừa và tiếp tục đun. Sau khi giò heo mềm, bạn cho phần hành tím băm còn lại và đầu hành chẻ đôi vào. Nêm vào nước dùng 3 muỗng canh muối, 2 muỗng canh hạt nêm, 3 muỗng canh đường và 1 muỗng cà phê bột ngọt. Sau đó khuấy đều và nấu thêm khoảng 5 phút. Tiếp đó cho hết phần tôm còn lại vào và nấu trong 5 phút. Cuối cùng, bạn nêm nếm lại cho vừa với khẩu vị của gia đình mình rồi tắt bếp.
Thành phẩm
Cho hủ tiếu đã trụng qua với nước sôi vào tô. Sau đó xếp tôm, thịt và giò lên bề mặt hủ tiếu. Rắc thêm một ít hành lá cắt nhỏ, tiêu xay lên bề mặt rồi chan nước dùng vào là thưởng thức được ngay. Hủ tiếu Nam Vang với sự kết hợp của nước dùng ngọt lịm, sợi hủ tiếu dai dai, độ tươi, béo của tôm, thịt chân giò và sự tươi mát của rau xanh sẽ khiến bạn chỉ muốn ăn mãi. Cùng Mắm Việt vào bếp chế biến ngay món ngon này bạn nhé!